Sau hơn 2 năm XKLĐ ở 62 huyện nghèo: Hầu hết lao động có việc làm ổn định

01:41 AM 29/12/2013 |   Lượt xem: 6760 |   In bài viết | 

Lao động được tiếp cận thị trường thu nhập cao

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), đến nay có trên 8.500 lao động tại các huyện nghèo đăng ký đi làm việc ở nước ngoài. Trong đó, có khoảng 7.400 lao động được sơ tuyển và 6.500 lao động trong số này được các doanh nghiệp phối hợp với các địa phương, các cơ sở đào tạo tổ chức dạy nghề, ngoại ngữ, bồi dưỡng kiến thức cần thiết.

Tính đến nay, có gần 4.500 lao động xuất cảnh, lao động thuộc hộ nghèo và dân tộc thiểu số chiếm 97%. Thị trường Malaysia đứng đầu về số lượng tiếp nhận, với khoảng 2.200 lao động, chiếm 48,5%, Các tiểu vương quốc Arập Thống Nhất với 700 lao động, số còn lại ở các thị trường Arập Xêút, Hàn Quốc, Nhật Bản, Macao và Đài Loan (Trung Quốc). Riêng thị trường Libi có 400 người thuộc Nghị quyết 30a, nhưng do chiến tranh đã được Nhà nước tổ chức đưa lao động về nước an toàn.

Các tỉnh có số lao động đi theo Quyết định 71: Thanh Hoá với 950 người, Quảng Ngãi 800 người, Quảng Nam 300 người, Bắc Kạn 250 người… Nhiều lao động huyện nghèo được tạo cơ hội tiếp cận thị trường có thu nhập cao. Hàng trăm lao động được lựa chọn để đào tạo và đưa sang lao động, tu nghiệp tại Nhật Bản, Hàn Quốc. Người lao động ở các thị trường này đều có việc làm và thu nhập ổn định, trung bình từ 5,5 - 6,5 triệu đồng/người/tháng ở thị trường Các tiểu vương quốc Arập Thống Nhất, Arập Xêút và Macao (Trung Quốc); từ 4,5 đến 5,5 triệu đồng/người/tháng ở thị trường Malaysia; từ 15 - 20 triệu đồng/người/tháng ở thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc.

Cần tháo gỡ vướng mắc

Mặc dù đạt được những kết quả đáng khích lệ, nhưng nhìn tổng số lao động sau hai năm triển khai thực hiện Đề án là quá ít, chỉ đạt 35% chỉ tiêu đề ra (năm 2009 – 2010 đưa đi 10.000 lao động). Tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo khá cao, trung bình khoảng 30 – 35%, cá biệt có địa phương như huyện Đăkrông (Quảng Trị), Tân Sơn (Phú Thọ) và Mường Nhé (Điện Biên) tỷ lệ bỏ về trong khoá đào tạo lên tới 60 – 70%. Bên cạnh đó, tỷ lệ lao động bỏ không xuất cảnh sau khi đào tạo cũng lên tới 20 – 25%.

“Sự phối hợp giữa các đơn vị chức năng chưa chặt chẽ. Thủ tục hành chính còn bất cập; thủ tục giải ngân chưa hợp lý. Những quy định về làm chứng minh nhân dân, lý lịch tư pháp thường phải kéo dài, có địa phương người lao động phải mất gần 2 tháng mới làm xong. Phải chờ đợi lâu, đi lại nhiều lần, thủ tục phiền hà đã khiến nhiều lao động chán nản, bỏ cuộc”. Đó là khẳng định của bà Hoàng Kim Ngọc, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Ở một số địa phương, lãnh đạo chưa quán triệt đầy đủ, nhận thức chưa đúng về trách nhiệm của địa phương trong việc tổ chức thực hiện chính sách. Có địa phương còn cho đây là việc của các cơ quan Trung ương, của doanh nghiệp nên chưa chủ động trong phối hợp, thậm trí còn cản trở doanh nghiệp khi tổ chức triển khai và cản trở lao động khi làm thủ tục xuất cảnh.

Mặt khác, do tác động của khủng hoảng kinh tế nên số lượng hợp đồng khai thác chưa được nhiều, số hợp đồng phù hợp với lao động huyện nghèo còn ít. Một số lao động chưa xác định được ý nghĩa và trách nhiệm xã hội khi tham gia chương trình. Việc phân bổ kinh phí từ Trung ương xuống địa phương còn chậm, chưa rõ ràng…

Mục tiêu năm nay là đưa 7.000 – 8.000 lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, trong đó phấn đấu đưa khoảng 1.500 – 2.000 đi làm việc tai Hàn Quốc và Nhật Bản. Để hoàn thành mục tiêu này, theo bà Hoàng Kim Ngọc, các bộ, ngành cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi và ban hành các văn bản hướng dẫn và chỉ đạo thực hiện các nội dung theo lĩnh vực được phân công. UBND các tỉnh có huyện nghèo tăng cường chỉ đạo việc thực hiện công tác xuất khẩu lao động theo Quyết định 71/2009/QĐ-TTg từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn, ngăn ngừa và xử lý các vi phạm về xuất khẩu lao động.

Minh Phúc

Theo http://cema.gov.vn

Tin khác