Thực hiện công tác dân tộc ở tỉnh Thừa Thiên Huế

01:16 AM 12/12/2011 |   Lượt xem: 4568 |   In bài viết | 

Ban Dân tộc tỉnh đã tham mưu kịp thời cho Uỷ ban nhân dân tỉnh ban hành hướng dẫn cụ thể đối với địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế; Đẩy mạnh tham mưu chính sách, chương trình như: Chính sách cho sinh viên người dân tộc thiểu số thi và trúng tuyển vào các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp thuộc hệ thống công lập; Xây dựng đề án thành lập phòng dân tộc và cán bộ chuyên trách công tác dân tộc ở các huyện có dân tộc thiểu số theo Nghị định 12/2010 của Thủ tướng Chính Phủ; Xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới giai đoạn 2011-2015; Xây dựng dự toán Ngân sách Nhà nước năm 2011; Ban hành hướng dẫn thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp cho người dân hộ nghèo ở vùng khó khăn theo Quyết định 102/CP của Chính phủ; Báo cáo rà soát chương trình định canh định cư theo Quyết định 33/CP của Chính phủ; Kinh phí bổ sung Quyết định 33; Bổ sung và kiến nghị các xã bãi ngang ngoài danh sách xã nghèo theo Quyết định 301/CP... Tham mưu ý kiến bằng văn bản: về xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số từ năm 2011-2020; Dự thảo Danh mục thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của Ban Dân tộc; Chương trình bồi dưỡng công tác dân tộc cho cán bộ cơ sở; Đề cương Đề án phát triển nguồn nhân lực vùng dân tộc thiểu số đến năm 2015-2020.

Năm 2010 tỉnh Thừa Thiên-Huế đã giải ngân hàng chục tỷ đồng để triển khai thực hiện Quyết định 102/TTg về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo ở vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn; Quyết định 33/2007/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về hạng mục: Xây dựng đường giao thông; điện sinh hoạt; nước sinh hoạt; hỗ trợ di chuyển nhà, làm nhà, san ủi mặt bằng, hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ lương thực trong 6 tháng đầu; Quyết định 32/TTg về hỗ trợ Chính sách vay vốn không lãi với tổng vốn phân bổ 1.650 triệu đồng cho 5 huyện A Lưới, Nam Đông, Hương Trà, Phú Lộc và Phong Điền. Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ban ngành liên quan hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách vay vốn và tổng hợp kết quả thực hiện báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh; Quyết định 160/TTg của Thủ tướng Chính phủ với tổng vốn kế hoạch: 6 tỷ đồng, ước thực hiện 100% kế hoạch. Nguồn vốn này chủ yếu tập trung đầu tư phát triển hạ tầng cho 12 xã biên giới thuộc huyện A Lưới, Uỷ ban nhân dân huyện A Lưới đã giao cho Ban Đầu tư và Xây dựng làm chủ dự án tổ chức thực hiện kết hợp và lồng ghép các nguồn vốn khác đã tạo điều kiện cho các xã biên giới giải quyết được các vấn đề khó khăn về cơ sở hạ tầng; Quyết định 975/TTg của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã cấp đầy đủ 21 loại báo, tạp chí theo quy định đến các đối tượng thụ hưởng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đúng kỳ, đúng đối tượng, đủ số lượng giúp cho đồng bào hiểu rõ những chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, biết cách áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, từng bước xoá bỏ tập quán canh tác lạc hậu, nâng cao hiểu biết về kinh tế, chính trị, xã hội, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào.

Thực hiện Chương trình 135 giai đoạn II, năm 2010 với nguồn vốn đầu tư: 30.068 triệu đồng. Trong đó, xây dựng cơ sở hạ tầng là 22.328 triệu đồng; hỗ trợ phát triển sản xuất 6.100 triệu đồng; đào tạo 1.350 triệu đồng; Hoạt động Ban chỉ đạo 150 triệu đồng; Chính sách theo Quyết định 112 là 140 triệu đồng. Đến nay, giá trị khối lượng hoàn thành ước đạt 100% so với kế hoạch. Các địa phương đã chủ động tổ chức điều tra, rà soát nhu cầu hộ dân cần đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất, xây dựng kế hoạch hỗ trợ khuyến nông, khuyến lâm, hỗ trợ giống cây trồng vật nuôi, hỗ trợ xây dựng mô hình sản xuất; mua sắm thiết bị máy móc nông cụ sản xuất... Hàng trăm lượt cán bộ được đào tạo, giới thiệu các chính sách của Trung ương và địa phương thuộc diện thụ hưởng Chương trình 135 giai đoạn II, hướng dẫn thực hiện quy chế dân chủ trong việc lựa chọn công trình đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất; công tác giám sát ở cơ sở, kỹ thuật chăm sóc cây trồng; nghiệp vụ đấu thầu và quản lý đầu tư xây dựng cơ bản... góp phần cải thiện cơ sở vật chất, điều kiện sản xuất giúp đời sống của đồng bào từng bước được nâng lên.

Năm 2010, công tác dân tộc ở Thừa Thiên Huế đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đời sống đồng bào dân tộc thiểu số được cải thiện, hàng trăm hộ nghèo có nhà ở mới, công tác giáo dục, chăm sóc sức khoẻ nhân dân có chuyển biến tích cực. Kết cấu hạ tầng đường giao thông, thuỷ lợi, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế đã được đầu tư cải thiện rõ rệt, tập quán sản xuất từng bước thay đổi, theo hướng sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ. Tình hình an ninh, chính trị và trật tư an toàn xã hội được đảm bảo.

Từ những kết quả đã đạt được, trong năm 2011, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp tục triển khai thực hiện chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc miền núi giai đoạn 2011-2015, định hướng 2020. Sáu tháng đầu năm 2011 tỉnh Thừa Thiên Huế đã phát huy hiệu quả các chương trình, dự án thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc, tiếp tục triển khai các hợp phần, hạng mục giúp cho đời sống của người dân tộc thiểu số trong tỉnh ổn định, không xảy ra thiếu đói giáp hạt, giáo dục, các vùng đặc biệt khó khăn được quan tâm cả về cơ sở trường, lớp, và đội ngũ giáo viên, chất lượng giáo dục ở các cấp học, bậc học đã từng bước được nâng cao; Y tế cũng được đặc biệt quan tâm, các địa phương vùng dân tộc miền núi đã tăng cường tuyên truyền bà con cách phòng ngừa và thực hiện công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho đồng bào, hạn chế bệnh dịch lan rộng. Thông qua việc cấp phát thẻ bảo hiểm miễn phí kịp thời đã tạo điều kiện thuận lợi cho người nghèo và trẻ em miền núi, vùng sâu, vùng xa được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Công tác khám chữa bệnh định kỳ vẫn được quan tâm và duy trì tốt; Thực hiện tốt chính sách đưa các loại báo, tạp chí, tin ảnh về các xã đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa có nhiều thông tin về các chính sách từ các phương tiện thông tin đại chúng; Công tác vận động toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở tiếp tục được duy trì. Tình hình an ninh, chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng dân tộc và miền núi từ đầu năm đến nay cơ bản ổn định. Cấp uỷ, chính quyền các địa phương đã tổ chức tốt việc thực hiện chính sách dân tộc, chính sách tôn giáo, quan tâm đến đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc thiểu số.

Để hoàn thành những nhiệm vụ này, Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế đề ra nhiều giải pháp, trong đó tập trung quán triệt, nâng cao nhận thức cho đội ngũ cán bộ trong hệ thống cơ quan làm công tác dân tộc từ tỉnh đến cơ sở. Tuyên truyền, vận động, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức của đồng bào về chủ trương chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc.

Nghiêm Huệ

Tin khác